Nhìn vào mục tiêu trên, có thể thấy, du lịch cộng đồng đang được Hương Thủy xác định trở thành ngành du lịch chủ đạo, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của thị xã. Vậy đâu là cơ sở để TX. Hương Thủy hướng đến mục tiêu này?
Qua khảo sát, Hương Thủy được đánh giá là địa phương tập trung nhiều tiềm năng, thế mạnh về sự đa dạng sinh thái, bản sắc văn hóa, danh lam thắng cảnh… khi có mật độ sông ngòi, thác ghềnh nhiều, tạo nên những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời, như thác Đá Dăm, Chín Chàng, khe De; hệ thống các hồ Tả Trạch, Khe Lời, Bàu Họ, Châu Sơn, Ba Cửa…, rừng nguyên sinh; hệ thống các nhà thờ họ; 15 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng cấp tỉnh, quốc gia và điểm du lịch cộng đồng Cầu ngói Thanh Toàn.
Bên cạnh một số nghề thủ công, như: chằm nón, tăm hương, rèn, đan lát… cùng hệ thống nghi lễ, phong tục tập quán của người dân bản địa vẫn được duy trì thông qua các lễ hội thu hút hàng ngàn lượt người tham gia như “Chợ quê ngày hội” – Festival Huế, lễ hội đua trải, hội bài chòi…, Hương Thủy còn có lợi thế khi trên địa bàn có Cảng HKQT Phú Bài, nằm cách không xa Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và TP. Đà Nẵng.
Những yếu tố này chính là điều kiện thuận lợi trong mở rộng giao thương, hội nhập với cả nước và khu vực Đông Nam Á, quốc tế, đồng thời, cũng là điều kiện để từ đó tận dụng và hình thành nên các tour du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã.
Theo bà Ngô Thị Ái Hương – Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy, du lịch cộng đồng là mô hình du lịch mà cộng đồng dân cư vừa trực tiếp cung cấp các sản phẩm dịch vụ, vừa có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch. Sự tương hỗ này giúp du lịch phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư bản địa. Và, chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi, lúc đó du lịch cộng đồng mới phát triển, mới thành công.
Cũng từ mục tiêu trên, bên cạnh thu hút khoảng 250.000 lượt khách (khách quốc tế khoảng 30 – 40%), trong đó du lịch cộng đồng chiếm 150.000 lượt khách; doanh thu đạt khoảng 400 tỷ đồng (du lịch cộng đồng khoảng 200 tỷ đồng), Hương Thủy phấn đấu từ nay đến năm 2025 có thêm 1-2 điểm được công nhận điểm du lịch (điểm du lịch cộng đồng thôn Buồng Tằm và điểm du lịch sinh thái thác Chín Chàng, xã Dương Hòa); hoàn thiện chương trình, tour tham quan, trải nghiệm giữa điểm du lịch cộng đồng Cầu ngói Thanh Toàn với du lịch cộng đồng thôn Buồng Tằm, kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái thác Đá Dăm và một số điểm khác trên địa bàn thị xã.
Hương Thủy đã và đang rà soát, quy hoạch chi tiết để thu hút đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn, đồng thời, đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư hạt nhân và quy hoạch những khu vực cho người dân làm du lịch thông qua việc nhận diện, xác định khu vực; xây dựng một số sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với hệ sinh thái nhà vườn kết hợp với du lịch suối thác…, tất cả trên tinh thần người dân được hưởng lợi.
Nắm bắt xu thế du lịch hiện nay là gắn với trải nghiệm đời sống sinh hoạt văn hóa, tập tục của người dân bản địa, cộng đồng vùng nông thôn thông qua các mô hình lưu trú trong dân (homestay), tham quan trải nghiệm…, ngoài xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động, đề án phát triển dịch vụ du lịch…, Hương Thủy đang định hướng tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng “dung hòa” 3 phương án: du lịch cộng đồng do người dân đứng ra quản lý và khai thác; Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và cho cá nhân, tổ chức đấu giá và thuê; kết hợp giữa cộng đồng và đầu tư của doanh nghiệp trên cơ sở quản lý của cơ quan Nhà nước.
“Những năm qua, du lịch cộng đồng Hương Thủy được thị xã, tỉnh, các tổ chức quốc tế như JICA, ILO, UNESCO… quan tâm, hỗ trợ và bước đầu đã đem lại một số thành công nhất định cả về chất lượng, sự lan tỏa và triển vọng. Đây chính là cơ sở để du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng của Hương Thủy xây dựng thương hiệu đặc trưng riêng, tạo liên kết bền vững về du lịch với các địa phương trong, ngoài tỉnh, đồng thời, khẳng định vị thế của du lịch cộng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của thị xã”, bà Ái Hương chia sẻ.