Theo Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, từ năm 2021 người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ, tết và hưởng nguyên lương, cụ thể:
- Tết Dương lịch: Nghỉ một, là ngày 1-1.
- Tết Âm lịch: Nghỉ 5 ngày (Ngày nghỉ sẽ được công bố khoảng tháng 9 – 10 của năm trước đó).
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: Nghỉ 1 ngày (Ngày 10-3 âm lịch).
- Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước: Nghỉ 1 ngày (Ngày 30-4 dương lịch).
- Ngày Quốc tế Lao động: Nghỉ 1 ngày (ngày 1-5 dương lịch)
- Quốc khánh: Nghỉ 2 ngày (ngày 2-9 dương lịch và ngày 1 ngày liền kề trước hoặc sau).
Điều 104, Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ “thưởng” là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Bộ luật Lao động 2019 quy định về “thưởng” thay vì “tiền thưởng” như quy định cũ trước đây. Khái niệm thưởng cho người lao động cũng được mở rộng ra, có thể là tiền; hoặc tài sản; hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Do đó, hiện nay Bộ luật Lao động cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ quy định chung về tiền thưởng và đây là khoản khuyến khích chứ không bắt buộc đối với chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Vậy nên, vào các ngày nghỉ lễ, tết trong năm, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách tính thưởng riêng (có thưởng hoặc không, mức độ bao nhiêu…) dựa vào kết quả sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của nhân viên như đã nêu ở trên.