Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, TP. Huế hiện có 2.083 hộ nghèo, với 6.210 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 1,62 %); 2.766 hộ cận nghèo, với 10.028 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 2,15 %). Đây là kết quả, rà soát hộ nghèo, hộ cần nghèo của các phường, xã trên địa bàn TP. Huế năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2022 – 2025. Trong số hộ nghèo, hộ cận nghèo của TP. Huế cho thấy, ở khu vực thành thị số hộ nghèo, cận nghèo cao hơn khu vực nông thôn, với 1.572 hộ nghèo, 2.158 hộ cận nghèo.
Không phải là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao nhất ở khu vực đô thị, nhưng đơn cử như ở phường Thủy Biều, sau thời gian giảm nghèo bền vững hiện vẫn còn 110 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ông Võ Đăng Thái, Chủ tịch UBND xã Thủy Biều cho biết: “Để giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo là vấn đề khó khăn của địa phương. Hầu hết hộ nghèo thuộc hộ chính sách bảo trợ xã hội, có người ốm đau kéo dài, không có khả năng lao động, nên khó để thoát nghèo”.
Mới đây, tại buổi làm việc với Thành ủy Huế và phường Thủy Biều, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh cũng nhận thấy, số hộ nghèo, cận nghèo của TP. Huế nói chung và Thủy Biều còn cao. Riêng phường Thủy Biều sau nhiều năm từ xã lên phường, bộ mặt đô thị vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể. Thủy Biều cái gì cũng có, lợi thế nhiều, nhưng phát triển còn quá chậm. Cùng với Thủy Biều, trong 29 phường khu vực thành thị của TP. Huế có 3 phường số hộ nghèo cao, từ 110 đến hơn 122 hộ là Hương Hồ, Hương Sơ và Thuận Lộc; có 6 phường hộ cận nghèo cao từ hơn 100 đến hơn 190 hộ là, An Hòa, Hương Sơ, Phú Hậu, Phú Thượng, Tây Lộc, Thuận An.
Trao đổi với lãnh đạo một số phường của TP. Huế, nguyên nhân hộ nghèo, hộ cận nghèo của thành phố cao là do việc sáp nhập một số xã, phường ở các địa phương khác vào. Tăng số xã, phường của TP. Huế, cùng đồng nghĩa với việc tăng số hộ nghèo, hộ cận nghèo lên. Thực tế tìm hiểu tại 7 xã trước đây là khu vực nông thôn mới sáp nhập vào TP. Huế là Hải Dương, Hương Phong, Hương Thọ, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và Thủy Bằng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn rất cao. Làm sao để giảm dần hộ nghèo, hộ cận nghèo là trăn trở của đội ngũ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nơi đây.
Theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, TP. Huế cần có một nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo đô thị, vì mục tiêu của tỉnh đặt ra là, từ nay đến năm 2025, khu vực đô thị không có hộ nghèo. Tỷ lệ đào tạo lao động ở TP. Huế không phải là địa phương cao nhất trong tỉnh. TP. Huế cần nhận diện về thực chất hộ nghèo để có những giải pháp đột phá trong giảm nghèo bền vững…
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp để giảm nghèo bền vững đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương TP. Huế nói riêng và cả tỉnh nói chung. Tuy nhiên, mục tiêu xuyên suốt vẫn là, nâng cao hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội, nhất là người đứng đầu về công tác giảm nghèo bền vững.
“Cấp ủy, chính quyền địa phương không chỉ thường xuyên tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, mà còn làm thay đổi, chuyển biến trong tư duy, nhận thức và hành động của từng gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo. Giảm nghèo cụ thể đối với từng hộ gia đình thuộc đối tượng giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, thực hiện sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp ủy viên phụ trách ngành, địa bàn theo dõi, chỉ đạo việc giảm nghèo cũng là vấn đề đặt ra”, ông Trương Quang Trung, UVTV Thành ủy, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Huế trao đổi.
Trực tiếp làm việc về công tác giảm nghèo bền vững ở các địa phương thời gian qua; trong đó, có TP. Huế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, giảm nghèo bền vững là giảm nghèo theo từng địa chỉ cụ thể, không chung chung; thể hiện vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân cần phải rất rõ ràng.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phải giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2.0 – 2.2% thì mới đạt tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị. Chúng ta cũng cần đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra những điều đã làm được cũng như chưa làm được, những khó khăn, hạn chế của giai đoạn vừa qua. Khi chỉ ra rồi thì có biện pháp, giải pháp hữu hiệu để khắc phục, giống như khi bắt được bệnh thì phải có cách trị bệnh, kê đơn, bốc thuốc tốt để đặc trị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lo lắng, A Lưới, Nam Đông, TP. Huế là 3 địa phương có số hộ nghèo cao nhất tỉnh, cần phải sớm tập trung các giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong đó, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu đóng vai trò rất quan trọng. Muốn vậy, đầu tiên là nâng cao nhận thức giảm nghèo của cán bộ, đảng viên, rồi mới đến người dân.
Số hộ nghèo toàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo điều tra cuối năm 2020 là 10.871 hộ; số hộ cận nghèo là 13.434 hộ. Số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 4.837 người; hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công là 174 hộ.
Theo TTH.vn (Tin, ảnh: Phong Anh)