Hình ảnh người con gái Huế với tà áo dài tím và chiếc nón lá bài thơ đã đi vào tâm trí của mỗi người dân nơi đây và của du khách khi một lần đặt chân đến Huế. Để rồi ai ai cũng muốn mua lấy một chiếc nón lá xứ Huế, rong ruổi trên hành trình khám phá Huế và chụp lại những bức hình kỷ niệm với Huế cùng chiếc nón giản dị, thân thương, để rồi nhắc nhủ nhau rằng:
“Ai ra xứ Huế mộng mơ
Mua về chiếc nón bài thơ làm quà.”
Trên đất nước Việt Nam chúng ta hầu như ở địa phương nào cũng có nghề làm nón. Những chiếc nón được sản xuất ra với mục đích đội đầu che nắng che mưa, nhưng ở mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng trong cách sản xuất nhưng có thể nói Huế là trung tâm sản xuất nón lá của cả nước.
Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa…
Đặc trưng
Nguồn gốc nón lá Huế:
“Trở lại Huế thương bài thơ khắc trong chiếc nón…”
Nói đến nón lá Huế, ai cũng nghĩ ngay đến nón lá bài thơ. Chiếc nón lá này có nguồn gốc từ làng quê Tây Hồ thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Tây Hồ nằm bên dòng sông Như Ý, cách thành phố Huế 12km về phía Đông. Ở làng Tây Hồ, không chỉ phụ nữ mới biết đan nón mà ngay cả những người đàn ông cũng giúp lên khung và chuốt vành nón.
Để có được chiếc nón ưng ý, người thợ làm nón Huế phải qua khoảng 15 công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người thợ. Từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ…và cuối cùng là đánh bóng bảo quản, tất cả đều được thực hiện hoàn toàn thủ công.
Trên mỗi chiếc nón, người ta lại khéo léo lồng vào những tranh cắt giấy bằng hình ảnh diễn tả danh lam, thắng cảnh của Huế, nhưng hoa văn tinh tế hay những câu thơ nổi tiếng, từ đó chiếc nón lá bài thơ ra đời. Đó thật sự là một cái duyên tình cờ khi ông Bùi Quang Bặc – một nghệ nhân chằm nón lá, cũng là một người yêu thơ phú trong làng Tây Hồ đã có sáng kiến làm nên nón bài thơ, bằng cách ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón. Hai câu thơ đầu tiên được ông Bặc ép vào chiếc nón lá mang giọng điệu dịu dàng khiến cho lòng người du khách phương xa không khỏi vương vấn:
“Ai ra xứ Huế mộng mơ
Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”.
Gọi là nón lá bài thơ vì khi soi lên ánh sáng thì bạn có thể thấy một bài thơ hay hình ảnh hoa văn được tạo nên khéo léo, bố cục cân đối hiện lên giữa hai lớp lá nón. Nón lá bài thơ vì vậy không chỉ là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Chiếc nón lá được ví như vẻ đẹp của người con gái xứ Huế. Dịu dàng, e ấp nhưng ẩn chứa một vẻ đẹp hoàn hảo khiến ai cũng phải thổn thức đến nao lòng.
Dù hai lớp hay ba lớp, dù là nón bài thơ hay nón thường, thì nón Huế vẫn rất thanh mảnh. Thanh mảnh nhưng bền, như thế mới độc đáo và đáng tự hào. Có lẽ vì thế mà nón Huế rất được nhiều du khách ưu chuộng.
Tháng 8/2010, Nón lá là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Ngày nay, các làng nghề nổi tiếng như Tây Hồ (Xã Phú Hồ), Mỹ Lam (xã Phú Mỹ, huyện Phú vang), Phú Cam, Phước Vĩnh, Đốc Sơ, Triều Tây, Hương Sơ (thành phố Huế) cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương khi đến Huế.