Mùa mưa xứ Huế đi qua chưa hết. Hôm nay, thời tiết dường như đỡ lạnh hơn. Bầu trời quê tôi đã ngợp nắng giao hòa, để chuẩn bị cho một cái tết. Hoa vạn thọ đã chớm nở, đóa hồng hàm tiếu, hàng cúc đại đóa dần tỏa hương cùng nhánh phong lan đang trỗi nhựa sống bung mầm nở hoa khoe sắc. Cội mai già trước ngõ đã đơm bông. Mọi người đã nhộn nhịp cho năm mới.
Bắt đầu từ những phiên chợ của làng quê, không khí xuân được nhen lên trước sạp hàng; ở đó, thỉnh thỏang tôi bắt gặp những ánh mắt thèm thuồng của bao em bé đứng nép sau lưng mẹ.
Hơi hướng của mùa xuân len lén bay theo quang gánh, thúng mủng của các mẹ, các chị, các o, các dì chốn quê về chợ. Một ít vàng bạc dành cho tâm hồn thành kính, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Một ít chén bát, soong nồi, đánh dấu một năm mới. Càng gần đến ngày tết, chợ quê tôi càng rộn ràng, các mẹ gồng gánh những thúng nếp mới, gạo ngon, khoai, củ, đậu mè…đã lựa chọn, chắt chiu trong nhiều ngày lao động. Sáng sớm, dọc Tỉnh lộ 4 (gần cầu Mỹ Xá) xuất hiện những rổ bí, bầu, mướp, mụt măng… Tôi đọc được trong mắt họ niềm vui ngày tết. Họ đợi xe kéo, ghe đò, chở các thứ về chợ Tây Lộc, lên Huế. Cách đây không xa, là giải phù sa màu mỡ của Bồ, bồi đắp cho cánh đồng lúa Đông Xuân, Quảng An, Quảng Thành. Đứng trên đồi cao, nhìn xuống những thung lũng một màu xanh ngắt. Nơi ấy, có biết bao mồ hôi đổ xuống đổi lấy hoa thắm trái ngọt, góp phần làm cho chợ Tết ở quê nhà thêm thi vị…
Nhớ thuở còn thơ. Mạ một nắng hai sương, thức khuya dậy sớm, còng lưng bên đám rau, luống cà. Đôi dép, cái mũ, bộ áo quần tết… của tôi, dài theo sự đời chờ thành quả lao động của mạ. Mấy ngày gần tết, mạ thức khuya bên ngọn đèn dầu leo lét, cần mẫn bó từng bó cải, bó hành ngò, dáng mạ hao gầy liêu xiêu in trên vách đất. Gà gọi sáng, mạ lay nhẹ vai tôi, giọng ngọt ngào:” Út cưng ơi, dậy đi chợ tết với mạ””Mạ sắm đồ cho”. Tôi dụi mắt, lồm cồm bật dậy, rửa mặt, thay áo, tìm mũ, cầm cục xôi nóng vừa ăn vừa chạy lon ton theo chân mạ đến chợ Tây Ba, lúc ấy, trời còn sương giăng mờ mịt nẻo đường quê…
Tôi lớn lên, chợ Tết quê nhà cũng lớn theo. Hình ảnh chợ tết thời thơ ấu, chỉ còn lại trong tôi bằng ký ức.
Chợ tết quê bây giờ, hàng hóa nội đầy ắp, cái mô hình VAC được nhân rộng khắp nơi. Không những các thứ bình thường phải có trong ba ngày tết, mà những gì sang trọng cũng bày bán: tủ lạnh, tivi, đồ điện, nước…Bên cạnh thúng nếp hoa vàng, bên sấp lá kề chồng bánh tráng gạo đỏ, mấy buồng chuối hương trái đã ửng vàng đặt cạnh máy bồ nhang trầm thơm lựng…Mạ mua của một thầy chùa, để chờ đêm giao thừa.
Quê tôi còn nghèo, nhưng chợ tết tôi vẫn đầy ắp tiếng cười, tiếng nói, chị em xa gần chụm lại, rôm rả với nhau chuyện chồng con, chuyện làng xóm, ruộng lúa, đìa tôm…thành ra, chợ quê tôi không chỉ bán gà, bán cá, bán rau củ ngày tết, mà còn là nơi gắm thông tin cho nhau. Nên chợ quê và thấm đượm nghĩa tình: thì mớ cá diếc ôm một bụng trứng xanh rờn còn ướt rượt nước, mới cất rớ từ dưới sông Bồ lên đó. Thì mớ cá tràu, cá héng còn ngai ngái mùi bùn, mùi nước trên đồng, nhảy tung nhảy tóe, nhảy đến tróc lớp vảy óng ánh ra, thì ngò tề, rổ trái cây ổi xá lị mới hái sau vườn, thúng mảng cầu, sapôchê, đu đủ, tươi ngon đẹp mắt….
Thì ra, giữa quãng đường đời xa ngái, chợ còn có nhiệm vụ là nhóm lên một bếp lửa đời, cho cuộc hành trình bớt xa đi! Giờ chừ, tôi không còn lon ton theo bước chân mạ tìm vui ở chợ quê ngày tết. Song, năm nào đến phiên chợ cuối cùng của một năm, tôi cũng dậy sớm để dạo một vòng thăm chợ, tìm hòai kỷ niệm ngày xưa và hòa chung niềm vui với mọi người đón tết. Và kìa, ai hình như mạ, hình như chị, mà hình như giống hệt mình đang ngồi đó, quanh mình ngọt ngào một buổi sớm xuân trong.